AN TOÀN CHO TRẺ
BÌNH THƯỜNG LO 1, MÙA DỊCH LO 10 Khi đại dịch COVID-19 lan rộng trên toàn cầu, phần lớn các quốc gia đã thông báo đóng cửa trường học tạm thời, ảnh hưởng đến hơn 91% học sinh trên toàn thế giới – khoảng 1,6 tỷ trẻ em và thanh niên ( Báo cáo trên trang Unicef Việt Nam). Trẻ em ở nhà, người lớn vẫn phải tiếp tục làm các công việc khác, khiến cho việc đảm bảo an toàn cho trẻ trong giai đoạn này là điều hết sức cần được cảnh báo và lưu tâm.
Đảm bảo an toàn ngay tại môi trường sống hàng ngày:
Phụ huynh nên kiểm tra lại tất cả hệ thống điện của gia đình, đặc biệt là các ổ điện trong tầm với của trẻ đều cần được bịt bằng các thiết bị chuyên dụng. Cân nhắc đến các giải pháp phòng tránh tai nạn thương tích ở trẻ như lắp thêm 1 thiết bị tự ngắt dòng điện khi có sự cố gây chập cháy.
Ba mẹ nên dành thời gian kiểm tra các thiết bị quanh trẻ trong giờ học trực tuyến và hướng dẫn trẻ tự bảo vệ bản thân.
ThS Nguyễn Phương Linh, viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD), cho rằng cha mẹ cần có những sinh hoạt gia đình thường xuyên như cùng con xem chương trình kỹ năng sống để trẻ nâng cao kiến thức và tìm người lớn khi cần trợ giúp.
Hoá chất, các loại cây cảnh gây ngộ độc, vật sắc nhọn, thuốc đều cần để xa tầm tay của trẻ.
Ban công, cửa sổ là những vị trí trẻ có thể leo trèo khi ở nhà dài ngày, cần có biện pháp rào, chắn cẩn thận.
Giáo viên dành thời gian đầu mỗi buổi học online để nhắc nhở học sinh về việc sử dụng các thiết bị điện tử phục vụ việc học.
Giữ an toàn cho trẻ trên môi trường trực tuyến Trao đổi thẳng thắn với trẻ về việc trẻ trò chuyện với ai và như thế nào. Thiết lập các quy tắc về việc sử dụng các thiết bị điện tử như thế nào, khi nào và ở đâu cùng với con.
Tạo cơ hội cho trẻ tương tác an toàn và tích cực với bạn bè, gia đình trên trực tuyến. Khi trẻ học online, cần có sự đồng hành ( đối với trẻ mầm non, tiểu học) hoặc giám sát từ xa đối với trẻ đã có năng lực tự học trực tuyến.
Thúc đẩy và dõi theo những hành vi tốt của trẻ trên trực tuyến và trong các cuộc gọi video. Khuyến khích trẻ cư xử tử tế và tôn trọng bạn cùng lớp, chú ý ăn mặc và tránh tham gia các cuộc gọi video từ phòng ngủ.
Thời gian ở nhà có thể là một cơ hội tuyệt vời để trẻ phát huy tiếng nói của mình ở trên mạng, từ đó chia sẻ quan điểm cũng như hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc khủng hoảng này. Song song với việc giữ tinh thần lạc quan và mong dịch bệnh sớm kết thúc, chúng ta cần học cách thích nghi với hoàn cảnh và có những giải pháp cho các vấn đề thực tại. Trẻ em là đối tượng dễ tổn thương nhất trong những hoàn cảnh khắc nghiệt, hãy lưu ý đến trẻ nhiều hơn bao giờ hết trong tình thế này. Nếu có băn khoăn gì về các vấn liên quan đến trẻ, ba mẹ hãy liên hệ các tổ chức về trẻ em hoặc tham vấn các hệ thống giáo dục có chuyên môn và uy tín.